Cuốn sách giới thiệu rất nhiều kỹ thuật để người đọc có thể nhớ được sách một cách rất hiệu quả, và những kỹ thuật này sẽ đặc biệt có ích với những sách học kỹ năng, kiến thức. Khi tình cờ biết đến cuốn sách này Otoada đã ngay lập tức mua về và đọc nó dù vẫn đang có rất nhiều sách ở nhà mà chưa kịp đọc. Mình rất quan tâm đến điều này không phải chỉ bởi việc mong muốn lưu giữ những kiến thức đã đọc được mà còn bởi vì mình đã quên hết chi tiết của những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất mình từng đọc. Như cuốn "Chuyện dài bất tận" Otoada từng phải đi mua lại để đọc để nhớ xem vì sao mình đã từng thích Sa mạc Muôn Màu và Nỗi Buồn Sặc Sỡ đến vậy (thậm chí đến giờ mình còn không chắc cái tên mình vừa nêu có đúng không nữa). Có lần mình mượn đọc từ thư viện một cuốn truyện về cuộc sống của một con mèo dưới góc nhìn của chính nó, truyện của Pháp rất hay, nhưng mình đã không thể nào nhớ được tên cuốn sách cũng như nội dung cốt truyện để tìm đọc lại.
Chính vì vậy, mình muốn ghi lại Nhật ký đọc sách này để ghi lại những điều chọn lọc hay nhất của mỗi cuốn sách để khi cần mình có thể mở ra xem lại và nhớ lại rằng tại sao mình lại đã từng yêu thích cuốn sách đó đến vậy.
Trở lại cuốn sách "Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu" này, tuy nửa đầu cuốn sách nói về tác dụng của việc đọc sách ví dụ như: Giúp thu mua thời gian, Tăng tốc quá trình phát triển bản thân.... nhưng mình thấy cách viết cũng thú vị và hay, vì Otoada đã vốn thích đọc sách nên những phần viết này đọc cho vui và biết thêm một chút lý lẽ để cảm thấy lần sau mua sách không còn là tội lỗi (vì nhà đã có quá nhiều sách mà chưa đọc kịp), còn với những bạn chưa có thói quen đọc sách nhiều khi đọc phần này có thể hữu ích tăng thêm động lực đọc sách, tuy nhiên, liệu các bạn chưa thích đọc sách nhiều có bỏ công ra đọc những chương này không? Một vòng tròn luẩn quẩn.
Nửa sau của cuốn sách là các kỹ thuật ghi nhớ khi đọc sách, thực sự nếu ai đó làm được gần hết những kỹ thuật này thì thực sự người đó quá yêu sách mà mình thấy với thế giới bận rộn này không biết có ai làm được không? Với mình, trước khi đọc cuốn này, thì mình cũng đã làm một phương pháp trong đó, đó là ghi chép lại những gì mình đã đọc nhưn trong mục Nhật ký đọc sách mà các bạn đang xem ở đây.
Kỹ thuật đọc sách nhớ lâu:
- Đánh dấu: Bằng bút dạ quang, ghi chú vào sách, hoặc gấp mép sách nếu đang trên tàu điện nghầm: tác giả ca ngợi cách đánh dấu này và một quyển sách không cần phải quá đẹp đẽ sạch tinh tươm. Tuy nhiên mình thấy rất nhiều bạn thích sách đều thích giữ sách sạch tinh tươm. Như mình đoạn nào hay xuất sắc hoặc cần nhớ mình sẽ dán dấy đánh dấu trong suốt, mình không muốn viết vào sách nên sẽ không áp dụng cách này. Tuy nhiên khi bạn thực hiện đánh dấu tác giả cho rằng đó đã là 1 lần ôn lại, với việc lưu giữ trí nhớ thì việc ôn lại cực kỳ quan trọng và thao tác đọc chữ và thao tác đánh dấu được thực hiện ở 2 vùng não khác nhau. Như trong cuốn "Chúng ta học thế nào", tác giả cũng đánh giá cao vai trò của việc đa dạng hóa đi kèm với việc ôn tập. Ngoài ra "Đọc thành tiếng có hiệu quả hoạt hóa não nên cũng có hiệu quả phòng ngừa bệnh mất trí nhớ".
- Nói về quyển sách mình đã đọc, bạn muốn chia sẻ rằng nó rất hay, bổ ích? Hãy nói cụ thể xem vì sao nó hay và bổ ích ở điểm nào. Lúc nói, ta cần nhớ lại và sắp xếp lại thông tin nên hiệu quả ôn tập vô cùng cao.
- Một khi đọc sách, phải đặt mục tiêu là có thể trình bày lại nội dung và tranh luận về nội dung đó.
- Chia sẻ cảm nghĩ sau khi đọc sách: nếu chỉ viết lại cho bản thân ta đọc sẽ không hiệu quả như việc viết ra cho cả những người khác đọc, lúc ấy ta có áp lực hơn, viết có trách nhiệm hơn vì vậy sẽ nhớ lâu hơn.
- Cảm nghĩ có thể viết ngay khi đọc xong sách nhưng viết lời bình thì nên để sau 2 ngày, khi đó ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn không bị cuốn theo cảm xúc.
- Khi thời gian bị giới hạn, khả năng tập trung sẽ tăng lên. Ví dụ bạn đặt mục tiêu cho thời gian giới hạn lúc ngồi trên tàu hay xe buýt cho đến khi phải xuống xe.
- Đọc sách trong thời gian trống chừng 15 phút vẫn hiệu quả hơn đọc liên tục do khả năng tập trung cao sẽ là 5 phút đầu và 5 phút cuối. Trong tâm lý học, người ta gọi là nỗ lực ban đầu và nỗ lực sau cuối. Thời gian 15 phút từ góc độ khoa học thần kinh là khối thời gian có thể tập trung cực độ để thực hiện công việc.
- Đọc sách trước khi ngủ giúp tăng trí nhớ tột độ và dễ đi vào giấc ngủ.
- Sách thì phải đọc từng câu từng chữ - Người đọc sách chậm thường bị chi phối bởi định kiến này. Hãy đọc ngay phần mình muốn biết.
- Não người khi nỗ lực tư duy về vấn đề hơi khó hơn so với năng lực của bản thân thì sẽ hoạt động tốt nhất. Vì vậy hãy đọc sách vừa sát giới hạn.
- Đọc sách với tâm trạng háo hức cơ thể tiết ra dopamine là hóc môn quan trọng giúp ta nâng cao động lực và khả năng ghi nhỡ tăng lên.
- Đọc sách rèn sắt khi đang nóng: nếu bạn cho là sách có vẻ hay thì hãy đọc nó ngay một mạch, như khi bạn đi nhà sách và thấy một quyển sách có vẻ hay và mua nó, khoảnh khắc đó bạn có cảm giác hiếu kỳ, háo hức, não tiết ra dopamine, nhưng nếu mua về sau một tuần trôi qua thì sự háo hức sẽ mất đi và rồi thì "Thôi khỏi đọc vậy". Có lẽ vì vây mà mỗi lần dọn dẹp tủ sách, mình lại hay bị ngồi lại để đọc, dọn dẹp cũng như khi đi ra lại hàng sách vậy.
Những câu chuyện ngoài lề
Gọi là ngoài lề vì đây là những đoạn hay của cuốn sách không chỉ liên quan đến kỹ năng đọc sách.
- Căng thẳng bởi vì không biết phải làm gì: Người ta làm thí nghiệm cho 2 con chuột vào 2 lồng khác nhau và cho chúng bị sốc điện nhẹ. Một lồng có nút tắt sốc điện, sau một thời gian con chuột trong lồng đó học được cách ngưng sốc điện, tuy nhiên khi nó ngưng sốc điện thì cả 2 con chuột đều được ngưng sốc điện. Như vậy tổng số thời gian 2 con đều bị sốc điện như nhau. Nhưng con chuột ở lồng không có nút sốc điện không thể phản kháng gì đã chịu tác động stress mạnh hơn và bị suy nhược nhanh hơn. Còn con chuột kia do đã biết cách chế ngự nỗi đau, sự bất an nên mức căng thẳng giảm rõ rệt. Vi vậy trạng thái không biết phải làm như thế nào làm cơn stress mạnh hơn bao giờ hết.
- Não phát triển suốt cả cuộc đời, thông minh lanh lợi không hẳn là điều định sẵn ngay khi sinh ra. Đọc sách giúp đầu óc linh hoạt hơn. Sau yếu tố di truyền, nguyên nhân chủ yếu tác động mạnh đến chỉ số IQ là lượng sách mà ta đọc. Đọc sách khi lớn tuổi có thể làm chậm 32% tiến trình thoái hóa của não. Ngược lại nếu não không được sử dụng hoàn toàn, quá trình thoái hóa sẽ tăng lên 48%
- Khi đọc tác phẩm văn học, ta có thể nâng cao cảm xúc tâm hồn