Kinh nghiệm xin visa Châu Âu tự túc đơn giản

Bài viết này mình sẽ nói các cách thức chung để các bạn tự làm hồ sơ một cách dễ dàng và chia sẻ thêm những trải nghiệm thực tế ngoài lề.

QUY TẮC CHUNG KHI NỘP HỒ SƠ:

- Danh sách Hồ sơ cần nộp: Bạn không nên đọc các bài viết trên mạng hay nghe mọi người khuyên, đúng nhất bạn cần vào các trang web chính thống để biết được danh sách mới nhất phù hợp với riêng từng loại visa như du lịch, công tác, thăm thân... bởi vì:

+ Các bài viết trên mạng có thể đã lâu không còn đúng với hiện tại.

+ Các công ty du lịch có thể thêm thắt giấy tờ mà sứ quán không yêu cầu. Tuy nhiên việc có cần thêm một số giấy tờ cũng là điều quan trọng, mình sẽ nói ở đoạn sau.

- Nộp hồ sơ ở đâu:

+ Thông thường có 2 cách nộp: Nộp qua trung gian tiếp nhận thị thực hoặc nộp trực tiếp tại Đại sứ quán. Tùy the Đại sứ quán và loại visa (du lịch, thăm thân, du học...) mà bạn có thể nộp theo 1 trong 2 cách. Đầu tiên bạn cần vào trang web của đại sứ quán để đọc hướng dẫn xem họ cho phép nộp ở những đâu.

- Đặt lịch hẹn:

+ Những nơi mình đã nộp hồ sơ đều phải đặt lịch hẹn trước. Trong các trang chính thống sẽ có hướng dẫn cụ thể. Hầu hết các nơi sẽ cho đặt lịch hẹn trên hệ thống, trước đây mình xin visa Hy Lạp thì lại đặt lịch hẹn qua điện thoại.

- Thời gian xét duyệt:

+ Theo thông báo chính thống thì sẽ mất khoảng 2 tuần hoặc nhiều hơn. Thực tế các lần Otoada từng xin visa chỉ mất khoảng 1 tuần. Đặc biệt khi nộp Đức mình nhận kết quả tại nhà sau 3 ngày làm việc.  Tuy nhiên hực tế còn tùy vào thời điểm, khối lượng hồ sơ nộp... Bạn có thể tham khảo trên mạng xã hội xem những người khác gần đây họ xin visa mất bao lâu. Có những trường hợp hồ sơ của bạn chưa mạnh, cần xác minh thêm thì sẽ kéo dài hơn bình thường.

 

HƯỚNG DẪN CHÍNH THỐNG XIN VISA:

- Vào Pháp: Những công dân cư trú tại Việt Nam muốn xin thị thực đi Pháp đều phải thông qua TLSContact – Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực. Bạn cũng cần đặt lịch hẹn online với TLS.

+ https://vn.ambafrance.org/Xin-thi-thuc-Phap-o-Viet-nam

+ https://france-visas.gouv.fr/vi/web/vn

- Vào Hy Lạp: Đợt mình xin năm 2019 thì trên mạng không có nhiều thông tin của Đại sứ quán. Mình đã gọi điện trực tiếp để đặt lịch hẹn cũng như hỏi danh mục giấy tờ cần nộp.

+ Thông tin liên hệ: https://www.mfa.gr/missionsabroad/en/vietnam-en/about-us/contact.html

- Vào Đức: Năm 2022 mình xin visa du lịch thì bắt buộc phải nộp qua trung tâm VFS

+ Hướng dẫn: https://www.vfsglobal.com/one-pager/germany/vietnam/vietnamese/#Tourism

+ Danh sách giấy tờ cần nộp: https://www.vfsglobal.com/one-pager/germany/vietnam/vietnamese/pdf/checklist-tourism-Document-recent.pdf 

 

TRẢI NGHIỆM NỘP VISA PHÁP:

- Otoada nộp visa Pháp khá lâu rồi và là lần đầu vào châu Âu hồ sơ cũng không quá mạnh. Mình du lịch tự túc với cô của mình. Đợt đó thì không có vòng phỏng vấn chính thống, nhưng khi tới nơi nộp hồ sơ, người nhận có nói chuyện phiếm qua lại, ví dụ họ sẽ hỏi kinh nghiệm một cách rất tự nhiên về máy móc ô tô như là hỏi kinh nghiệm cho xe riêng của họ. Vì cô mình khai là kinh doanh liên quan đến ô tô nên mình nghĩ đây là cách để họ thử xem có đúng không (mình cũng gặp trường hợp tương tự như vậy khi nộp tại Đại sứ quán Peru, họ có mời vào văn phòng nói chuyện hỏi thăm vì lý do mình đi Peru có liên quan đến một sự kiện lớn liên quan đến chính phủ, mình vẫn nghĩ là họ kiểm chứng thông tin). Còn về phần mình, Đại sứ quán Pháp đến hẳn công ty mình làm (cách Hà Nội 60 phút lái xe) bất ngờ không báo trước để điều tra xem có đúng mình làm ở đó không.

 

TRẢI NGHIỆM NỘP VISA HY LẠP:

- Khi đến nơi, có thể do có ít người nộp mà người trực ở quầy đã biết mình là ai. Họ bảo mình ngồi chờ và sắp xếp thứ tự hồ sơ như bản hướng dẫn tại đó.

- Sau khi chờ khoảng 15-20 phút, để người trước phỏng vấn xong thì người ở quầy sẽ gọi mình vào nộp tiền và kiểm tra hồ sơ. Sau đó họ dẫn mình lên tầng trên vào văn phòng gặp một cán bộ người Hy Lạp để phỏng vấn. Nếu mình không nói được tiếng Anh người Việt Nam dẫn mình sẽ dịch hộ. Nếu đi một mình mà không nói được chút tiếng Anh nào có thể sẽ không đáng tin, bạn có thể nói một chút tiếng Anh rồi bảo họ là tiếng Anh không tốt lắm rồi xin trả lời qua thông dịch để tự tin hơn, vì mình nghĩ họ sẽ kiểm tra phản xạ của mình. Cô mình đi cùng không nói được tiếng Anh nhưng vì có mình đi cùng thì lại thuyết phục hơn.

- Họ hỏi một số câu như: Đã đi Châu Âu bao giờ chưa, đi những đâu, lần này đi những đâu, bao ngày. Đến nơi thì đi đâu tiếp... tóm lại hỏi về lịch trình của mình, nếu đúng là mình định đi như vậy và do mình làm ra lịch trình mình sẽ trả lời được ngay.

- Sau khi phỏng vấn sẽ chụp ảnh và lăn tay ngay tại phòng đó và ra về. Sau vài ngày có kết quả họ sẽ gửi thông báo qua email, chú ý email có thể bị vào mục spam. Bạn sẽ tới sứ quán lấy kết quả không cần hẹn trước. Hiện nay mình không rõ họ có cho gửi kết quả qua chuyển phát nhanh không.

 

TRẢI NGHIỆM NỘP VISA ĐỨC 2022:

Trước khi đi nộp visa mình thấy đặt lịch hẹn trên hệ thống thì không được, lại có nhiều tin đồn gây hoang mang quá nên chia sẻ lại mấy thông tin quan trọng cho các bạn

- Ngoài thăm thân, du học thì Đức có nhận hồ sơ visa du lịch tự túc.

- Đặt lịch hẹn: Theo thông báo thì Sứ quán Đức mở cửa nhận hồ sơ từ cuối tháng 3/2022. Ở Hà Nội, có những lúc hệ thống đều báo Không có lịch trống nào. Sau đó một thời gian, lại mở lịch lại bình thường, và sau khi mở vài ngày thì kín lịch cả tháng tiếp theo luôn. Còn ở Hồ Chí Minh thì mình không thấy bị như vậy.

+ Ban đầu mình nghĩ do đầu Hà Nội có hạn chế về số lượng nên đặt lịch khó hơn, nhưng không ngờ hóa ra là đông người nộp thật. Riêng hôm mình đến nghe nói có 100 hồ sơ Đức chờ nộp. Các nước khác như: Hà Lan, Phần Lan, Áo cùng hôm đó mình thấy khá ít người nộp.

- Quy trình nộp hồ sơ (chi nhánh Hà Nội):

+ Ngồi ngoài cửa phòng chờ cho đến đúng giờ hẹn của mình mới được xếp hàng, nhiều người vào sớm 5; 10 phút đều phải quay ra chờ, dù lúc đó không có ai xếp hàng ở lễ tân. Có thể do quá đông nên họ làm chặt, trong phòng chờ cũng đang có vài chục người. Còn không rõ những ngày khác thì thế nào.

+ Khi được vào xếp hàng ở quầy lễ tân, bạn phải trình ra giấy hẹn rồi sau đó nhận số thứ tự tại lễ tân, túi đồ kể cả túi nữ nhỏ phải gửi ở tủ có khóa, chỉ được mang giấy tờ, ví tiền (loại cầm tay), điện thoại vào trong.

+ Loa sẽ tự động gọi theo số thứ tự vào quầy, chỉ gọi bằng tiếng Anh, nhiều người lớn tuổi nghe sẽ không hiểu, các nhân viên nhận hồ sơ có thể sẽ gọi to bằng tiếng Việt nếu chưa thấy người, trong phòng cũng hơi ồn nên cần chú ý nghe. Ngoài ra, có thể nhìn lên màn hình để biết đến số thứ tự nào ở quầy số mấy, nhưng người lớn tuổi mắt kém cũng sẽ khó nhìn.

+ Khi đến lượt, nhân viên VFS kiểm tra hồ sơ và hỏi qua bạn vài câu kiểm chứng thông tin (họ tên, ngày sinh...). Sau đó họ sẽ thu tiền tại quầy này luôn. Bạn nên đăng ký nhận kết quả qua chuyển phát thay vì đến lại trung tâm VFS nhận hồ sơ nếu muốn tiết kiệm thời gian.

+ Tiếp đó bạn sẽ ra cửa phòng lấy sinh trắc để chờ gọi tên. Vì phòng chờ cũng khá ồn, nên trong phòng sinh trắc gọi qua cửa cách âm khá khó nghe, nên cần chú ý. Tuy nhiên có phòng sẽ nhờ người trước ra gọi người sau.

+ Tổng thời gian mất khoảng 1-2 tiếng.

 

CHI TIẾT THÊM VỀ GIẤY TỜ HỒ SƠ VISA

- Khi mình nộp đợt tháng 5 2022, nhân viên VFS sẽ đòi giấy tiêm chủng vacxin gốc và cả bản photo, mình đã chuẩn bị sẵn nên đưa ra luôn. Mình thấy có bạn kể lại là không có giấy tiêm chủng họ không nhận hồ sơ.

- Mình nộp ảnh bị từ chối vì bé quá vì mình đã chụp sẵn theo phổ thông là 3x4cm và mặt không quá to trong ảnh, may thay mình mang theo 2 ảnh khác khá là to hơn cả quy định 3.5x4.5 nhưng họ vẫn nhận. Vì vậy hãy chú ý chuẩn bị ảnh cho đúng nhé. Nếu đeo kính cận thì tốt nhất bỏ kính ra (dù quy chế vẫn cho phép nộp ảnh đeo kính cận) để tránh bị lóa kính không nhìn rõ mắt. Ví dụ như Đức có yêu cầu rõ mặt phải to chiếm 75% ảnh, nên bạn cần đọc kỹ yêu cầu về ảnh và khi đi chụp ở hàng cũng nhắc cửa hàng, dù hiệu ảnh chụp cho nhiều khách làm visa nhưng cũng có những nơi chụp không đúng nhưng vẫn rất tự tin, mình đã từng phải in lại ảnh dù đã nhắc họ mặt phải to.

- Thông thường các nước sẽ có giấy tờ tương đối giống nhau, chỉ có một số điểm khác biệt ví dụ:

+ Visa vào Đức thì đòi phải có sổ bảo hiểm xã hội, trong khi các nước khác mình đã nộp chưa thấy yêu cầu.

+ Đức không yêu cầu sổ tiết kiệm nhưng bắt buộc phải có sao kê tài khoản ngân hàng nhận lương hàng tháng. Trong khi các nước khác hay yêu cầu số tiết kiệm có vài trăm triệu. Mình thấy như Đức là thiết thực hơn vì sổ tiết kiệm thì dễ đi vay mượn để mở được. Tuy nhiên khi nộp Đức bạn vẫn có thể nộp thêm sổ tiết kiệm, chứng nhận hạn mức thẻ tín dụng để chứng minh thêm về tài chính.

+ Chú ý đọc kỹ về yêu cầu dịch thuật/photo giấy tờ chỉ có tiếng Việt (như sổ hộ khẩu...): Đợt nộp Pháp mình phải dịch công chứng của Viện Pháp mất khá nhiều tiền (vài triệu) dù rất ít giấy tờ. Nhưng về sau khi nộp Hy Lạp và Đức mình dịch và công chứng bản dịch (không phải công chứng giấy tờ gốc), chỉ cần gửi bản gốc qua email cho dịch vụ họ sẽ gửi chuyển phát nhanh cho mình bản công chứng dịch, chi phí chỉ vài trăm nghìn. Nếu sứ quán yêu cầu phải có bản photo (Đức có yêu cầu) tất cả giấy tờ gốc thì cần chú ý photo sẵn, nếu bạn thiếu hồ sơ khi đến nơi có thể trung tâm sẽ photo giúp bạn với phí cao, hoặc thậm chí trả lại hồ sơ phải đặt lịch hẹn mới (sẽ lỡ công việc nếu lịch hẹn đã bị kín tới mấy tháng) hoặc được dùng dịch vụ nộp bổ sung hồ sơ với mức phí tình bằng tiền triệu.

- Bảo hiểm du lịch: Otoada thấy nhiều bạn cũng lo lắng hỏi về mua bảo hiểm ở đâu. Khi bên bảo hiểm đã bán họ sẽ bán đúng mức yêu cầu của Đại sứ quán, bạn có thể hỏi thêm nhân viên bán bảo hiểm sau khi đã chọn công ty muốn mua. Trước đây mình hay mua của Chubb, có lẫn bị lỡ chuyến bay đã được đền bù rất nhanh chóng hợp lý. Vừa rồi mình có mua của Bảo Việt.

- Lịch trình du lịch: Mục này nước nào cũng đòi hỏi và không có mẫu. Thông thường mỗi lần nộp visa mình lại làm một mẫu khác nhau bởi vì ví dụ nếu đi du lịch ít thành phố ngắn ngày chỉ cần vài cột đơn giản, nhưng nếu chuyến đi di chuyển quá nhiều và phức tạp thì cần bảng biểu nhiều cột hơn sao cho dễ hiểu.

+ Thông thường sẽ cần thông tin: Ngày nào, đi băng phương tiện gì nếu là đến thành phố mới (ví dụ máy bay, tàu hỏa...), ở thành phố nào, sẽ đi thăm quan những đâu, đêm ở khách sạn nào (tên khách sạn, địa chỉ, điện thoại). Đặc biệt nộp Đức bạn cần có số điện thoại trong lịch trình, vì có 1 booking mình đặt không có số điện thoại, chỗ thu nhận hồ sơ bảo mình thiếu và định trả lại hồ sơ, nhưng may mình có ghi trong lịch trình thông tin này.

+ Thăm quan những đâu: Cũng nên hợp lý và logic như thật. Trong 1 ngày bạn không thể đi thăm quan mỗi một điểm nhỏ. Bạn cũng cần chọn các điểm thăm quan trong ngày/buổi gần nhau không nên chọn bừa tên các điểm nổi tiếng rồi ghép lại ngẫu nhiên. Nếu người xét duyệt họ hiểu về thành phố đó hoặc họ cố tình tìm hiểu sẽ thấy ngay lịch trình của bạn là làm cho có, không thật. Mình đã từng xem những lịch trình như vậy, nhìn sẽ dễ dàng nhận ra ngay là không tin cậy.

+ Ví dụ về lịch trình:

+ Lịch trình này có rất nhiều bạn phản hồi là quá chi tiết không cần thiết, làm càng nhiều lại càng sai. Mình đồng ý là làm càng nhiều càng sai, các bạn có thể tham khảo thêm các nguồn khác để làm đơn giản hơn. Về phía mình, khi xin visa mình luôn làm lịch trình như này và thấy không có gì khó khăn vì thực tế mình đi du lịch theo phong cách luôn phải lên kế hoạch trước, biết rõ ngày nào sẽ đi đâu bằng phương tiện gì, ở khách sạn nào. Thực tế mình đã xin visa và đi đúng như kế hoạch, chỉ riêng phần thăm quan có thể không chính xác 100% nhưng phần này lại là phần dễ nhất, vì chỉ cần lên mạng tìm qua những địa danh nổi tiếng là đã có thể điền được.

+ Mình sẽ viết thêm một bài về các giấy tờ bổ sung cũng như bàn về việc thế nào là một hồ sơ mạnh yếu.

 

NHẬP CẢNH CHÂU ÂU 2022

- Mình cũng đọc được nhiều câu chuyện về việc bị gây khó dễ khi nhập cảnh châu âu ví dụ như: Bị hỏi hạn về tiền mặt mang theo người (nếu ít quá thì không được chấp nhận), bị hỏi về lịch trình và các bạn đó khuyên là nên có sẵn tờ lịch trình để trình ra khi bị hỏi...

- Thực tế hồi mình vào Pháp khá lâu rồi, hải quan thờ ơ đóng dấu chẳng buồn nhìn mặt mình hay xem lịch sử hộ chiếu. Vừa rồi vào Đức cuối tháng 5 năm 2022 , thì mình quan sát ai cũng bị hỏi một vài câu, xung quanh có rất nhiều các biển báo yêu cầu mọi người phải đưa ra bằng chứng tiêm chủng và nhập các biểu mẫu gì đó, Mình chưa nhập gì cả nghĩ là cứ chờ vào nhập cảnh họ bảo làm gì thì làm. Nhưng sau đó họ không kiểm tra một giấy tờ gì cả, chỉ xem mặt và hộ chiếu rồi hỏi một vài câu: Đi một mình hay với bạn? Ở bao nhiêu ngày? Ở Việt Nam làm nghề gì?

- Tuy nhiên khi làm thủ tục checkin ở sân bay Việt Nam, bạn sẽ cần trình ra bằng chứng về tiêm chủng (giấy tờ gốc, phần mềm...), nếu không có bạn sẽ cần có xét nghiệm Covid âm tính.

- Từ Đức đi sang các nước khác bằng đường bộ hay máy bay cũng không bị kiểm tra giấy tờ. Nhưng từ nước khác đi vào Đức đều bị dừng lại ở biên giới để kiểm tra hộ chiếu. Đợt mình đi thì không thấy người châu Á mấy, riêng mình thì bị xem hộ chiếu lâu hơn và có nơi họ còn chụp lại ảnh hộ chiếu, chắc để kiểm tra lại thông tin.

Các bạn có câu hỏi gì hãy gửi bình luận bên dưới bài viết nhé!

Chúc bạn sẽ có một chuyền đi vui vẻ.

Otoada 2022

Rate this item
(1 Vote)

Atmo

Xin chào, tôi là Web Bot trợ lý của Otoada, phụ trách đăng các bài dịch và chia sẻ kinh nghiệm du lịch. Hầu hết, các bài viết của chúng tôi đều được dịch và sáng tác nguyên bản. Càng nhiều độc giả ủng hộ, chúng tôi sẽ càng có nhiều động lực để sáng tác hơn. Xin cảm ơn đã ghé thăm và đừng quên bình chọn hay góp ý. 

email: atmo@otoada.com

Leave a comment

Make sure you enter all the required information, indicated by an asterisk (*). HTML code is not allowed.

JSN Venture is designed by JoomlaShine.com