Bằng cấp là một cái chứng nhận bạn đã biết gì, đạt được gì một cách tương đối khi mà hiện nay nhà tuyển dụng chưa có khả năng siêu nhiên để đánh giá ngay lập tức ứng viên là người thực sự như nào. Mà có bằng cấp rồi cũng chẳng biết anh ta có đúng là như thế không. Vậy mới sinh ra thử việc.
Còn giả như bạn là chủ doanh nghiệp đang tìm nhân tài làm việc cho công ty, thì những vị trí đòi hỏi chuyên môn đặc thù của ngành rõ ràng mình sẽ thích người có sẵn bằng cấp. Còn các vị trí ngược lại (thậm chí đó có thể là quản lý) cũng có thể bạn quan trọng tìm một người có tố chất không cần bằng cấp. Nhưng chắc hẳn đó sẽ là người đã quen biết trước, hoặc người thân tín giới thiệu.
Cũng có rất nhiều người không bằng cấp, mà có vị trí cao trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn đặc thù ngành, như vậy họ cũng đã phải cố gắng rất nhiều và họ cũng đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm. Nếu đã tới lúc ấy thì xã hội cũng không quan tâm nhiều lắm đến học vấn của họ nữa. Nhưng với các bạn trẻ để đạt tới đó rõ ràng bước khởi đầu vẫn rất khó khăn, ở mọi nơi không chỉ Việt Nam.
Rất nhiều bàn luận của bạn trẻ lôi gương của những nhà tỷ phú thế giới bỏ học ra để răn đe những người cứ thích đi học. Thứ nhất, bạn có tự tin tới nỗi không cần đi học mà tự lĩnh hội được rất nhiều kiến thức để vượt lại số đông? Thứ hai, bạn có biết những người đó đã đạt tới trình độ như nào, thời cơ chín muồi ra sao họ mới bỏ học?
Bạn không cần lo về bằng cấp nếu bạn có một bằng chứng thuyết phục về khả năng của mình trước một người xa lạ trong thời gian rất ngắn.
Nếu bạn không thi Đại học theo số đông, không chọn trường nổi vì bạn học rất giỏi và bạn đã xác định được bạn thực sự thích hay tốt hơn nữa là đam mê điều gì?
Nhưng nếu bạn đã lựa chọn thì bạn có rất nhiều thời gian để suy nghĩ cho con đường của mình. Xin đừng than phiền nhiều, chê trách xã hội chỉ trọng bằng cấp.
Các bậc cha mẹ vẫn nói: Giờ không có bằng cấp chẳng làm được gì. Phải chăng hầu hết các bậc phụ huynh không tin tưởng vào sức mạnh của đứa con, cho rằng nó chỉ có thể thành công bằng con đường học vấn. Còn người cho là mình không tệ nhưng chưa có bằng cấp phù hợp thì dễ nghĩ: xã hội này trọng bằng cấp quá không có chỗ cho mình. Phải chăng họ chưa đủ năng lực thực sự hoặc chưa đi đến cuối đường. Mà cũng có thể họ chưa tìm thấy điều phù hợp với mình.
Cuối cùng, theo một câu nói thú vị “Không phải ai cũng có may mắn được bị đuổi việc một lần trong đời” trong cuốn “Làm việc 4 giờ một tuần”, đôi lúc tôi vẫn thầm nghĩ một câu hài hước ăn theo: không phải ai cũng có may mắn được trượt đại học trong đời một lần. Ở Việt Nam, trừ ngành năng khiếu, hầu như mọi người chọn ngành theo sức học thay vì phân tích nghề nghiệp, sở trường, cá tính. Tôi đã rất may mắn vì trượt Đại học một lần. Nhưng thôi đó là một câu chuyện cá nhân.
Các bạn những người đã có bằng, đã có công việc “cao sang” cũng đừng coi thường những người không có học vấn uyên thâm. Các bạn những người chưa có bằng cấp nhưng đã tài giỏi tự gây dựng sự nghiệp riêng cũng không nên đánh giá thấp những người đi “làm thuê”. Đó là 2 con đường khác nhau nhưng người đời lại vốn thích so sánh trong lòng và có đôi khi lại hậm hực.
Chúc mọi người đặc biệt là các bạn học sinh tìm được con đường mình mong muốn đi, chọn lấy mình sẽ học cái gì, làm điều gì trước khi là học ở đâu. Hãy dành mọi tâm sức, nhiệt tình cho điều mình yêu thích. Xin đừng lầm lẫn cứ cố gắng lựa chọn công cụ thay vì đáng ra phải chọn đích đến trước tiên – điều mà bạn mong muốn.
Otoada - 2010