5 lỗi viết truyện mà một người viết tốt cũng có thể mắc phải

Không gì ít gây ấn tượng bằng việc cố gắng gây ấn tượng. Không có gì ít hài hước hơn việc cố gắng tỏ ra hài hước - Otoada dịch theo Steven James

 

Trong việc viết tiểu thuyết thì câu chuyện là điều quan trọng hơn cả.

Tuy nhiên các tác giả lại thường xuyên quên mất điều này. Với tất cả lòng nhiệt huyết muốn gây ấn tượng cho người đọc và gây kinh ngạc cho các biên tập viên, tác giả đã phá hoại tác phẩm của chính mình với những chi tiết gây nhiễu.

Đừng bao giờ để bất cứ điều gì xen vào giữa câu chuyện của bạn và người đọc. Sau đây là 5 lỗi thông thường mà thậm chí những nhà văn giỏi nhất cũng có thể gặp phải:

 

1.      Xây dựng biểu tượng quá trớn

Vài năm trước đây, tôi đã đọc một cuốn tiểu thuyết được rất nhiều người quan tâm. Có một cơn bão ở chương đầu tiên; chương thứ hai có một người đang rửa tay và sau đó nhân vật khóc lóc, tiếp đó là lễ rửa tội. Tôi đã hiểu ra ý đồ của tác giả, hình ảnh biểu tượng là nước và chủ đề là về vấn đề vệ sinh giặt rửa.

Lúc ấy tôi tiếp tục chờ đợi những cách tiếp theo mà tác giả đã cố thêu dệt nên những biểu tượng liên quan đến nước. Và đúng như vậy, cảnh này nối tiếp cảnh kia như tôi đã đoán.

Là người đọc tôi không còn thấy có cảm xúc trong câu chuyện đó nữa. Tôi muốn nhìn nhận nó như một nhà phê bình hơn. Và chắc hẳn đó không phải là điều mà các nhà văn mong muốn độc giả của mình trở nên như vậy.

Khi độc giả bị gây chú ý để kiếm tìm những hình ảnh, biểu tượng, chủ đề... thì họ sẽ ít bị tác động bởi bản chất thực của câu chuyện.

Liệu điều này có nghĩa là chủ đề và hình ảnh không có chỗ trong sáng tác của bạn? Hoàn toàn không phải như vậy. Thay vì xây dựng câu chuyện của mình tập trung vào chủ đề (tình yêu, sự tha thứ, tự do..), hay những lời khuyên (theo đuổi giấc mơ, thành thật với trái tím mình…), hay những lời sáo rỗng (“mỗi đám mây có một lớp lót bạc”, “thời gian chữa lành mọi vết thương”…), tốt hơn bạn hãy đưa câu chuyện tiến triển thông qua những căng thẳng, những tình huống khó xử.

Vì vậy, thay vì xây dựng chủ đề “công lý”, hãy để các diễn biến của câu chuyện dẫn ra những câu hỏi đầy hấp dẫn như: “Điều gì quan trọng hơn, nói sự thật hay bảo vệ người vô tôi?”

Thay vì đưa ra những lời khuyên “Hãy tha thứ cho người khác”, hãy để câu chuyện của bạn dẫn tới một tình huống tiến thoái lưỡng nan “Làm thế nào để bạn tha thứ cho những người đã làm việc tồi tệ không thể tưởng tượng nổi với người bạn yêu thương?”

 

2.      Nỗ lực quá sức

Không gì ít gây ấn tượng bằng việc cố gắng gây ấn tượng. Không có gì ít hài hước hơn việc cố gắng tỏ ra hài hước.

Vì vậy hãy tìm những đoạn trong câu chuyện của bạn khi bạn đã cố gắng để hài hước, thông minh hay ấn tượng. Hãy thay đổi hoặc xoá bỏ chúng.

Một số tác giả cho rằng sự hài hước là khi viết “Cô ấy đùa rằng”; “Ông ta châm biếm là”. Nếu đoạn đối thoại của bạn thực sự hài hước bạn không càn phải hướng dẫn thêm cho độc giả như vậy.

Một số tác giả thích sử dụng những từ ngữ phong phú. Nhân vật của họ cười như nắc nẻ, kêu la, rú, hét, gào. Bất cứ khi nào gặp phải một cuốn sách như vậy, tôi thường sẽ lướt qua các cuộc hội thoại chỉ để xem những từ đồng nghĩa nào sẽ được sử dụng tiếp. Đừng cố thể hiện bạn là một từ điển từ đồng nghĩa. Chỉ cần kể câu chuyện của bạn là đủ.

Cũng tránh gây ấn tượng với độc giả bởi những thuật ngữ hay kiến thức chuyên ngành sâu xa. Độc giả đang tìm kiếm sự giải trí, một câu chuyện thuyết phục, một thế giới khác biệt với những cung bậc cảm xúc sâu sắc, họ không định tìm đọc một cuốn luận văn về hệ thống thực vật hay động vật của vùng Carolina, hay luận án tiến sĩ về lĩnh vực y tế.

Người đọc muốn đọc câu chuyện, họ không cần phải chiêm ngưỡng tác phẩm câu chữ của bạn. Đừng cố viết những câu từ dường như rất văn thơ lai láng nhưng lại kéo người đọc vụt ra khỏi tình huống của truyện. Ví dụ, nếu bạn đang nằm cuộn tròn với một cuốn sách và đắm chìm vào giữa chương miêu tả một vụ cướp máy bay, bạn sẽ không muốn đọc: “Những đám mây bên ngoài cửa sổ trông như một lâu đài trên bầu trời”. Mô tả vừa thừa lại vừa phá vỡ sự căng thẳng.

Trong mấy năm vừa rồi, tôi nghe nhiều về các tác giả viết sách không có dấu chấm câu, không có dấu ngoặc kép hoặc sử dụng một số từ xác định trước.  Điều này là tuỳ mỗi cá nhân. Nhưng khi những điều tự nhiên bị ràng buộc và hạn chế, tự họ đã còng tay mình.

Dù bạn muốn tuân thủ  hay phá luật thì phải luôn là vì lợi ích của độc giả. Nếu đọc truyện mà độc giả phải dừng lại để đặt câu hỏi về điều gì đang xảy ra, phải phân tích tác phẩm, hoặc phải dở lại phần trước để hiểu hơn bối cảnh thì bạn đã thất bại.

 

3.      Không suy tính trước phản ứng của độc giả

Khi hành động của một nhân vật không góp phần tạo nên ý nghĩa gì, hay khi một cảnh không xảy ra tự nhiên theo diễn biến của truyện, người đọc sẽ dừng lại và băn khoăn về những gì đang diễn ra.

Hãy tưởng tượng, nhân vật chính của bạn nghe nói rằng kẻ giết người là hàng xóm trong khu phố và cảnh tiếp theo cô ấy quyết định dành một buổi tối ấm cúng để làm mỳ ống tự chế. Người đọc sẽ nghĩ: Sao cơ? Tại sao cô ta không khoá hết các cửa lại, hay là gọi cảnh sát, hoặc chạy ra xe để thoát khỏi khu vực này. Như vậy, vào mỗi khoảnh khắc bạn muốn độc giả đắm chìm sâu hơn vào diễn biến câu chuyện, thì họ lại bị lôi phắt ra khỏi mạch truyện và bắt đầu đặt câu hỏi.

Ngay khi một tình huống khó tin xuất hiện thì độc giả bắt đầu xao lãng. Hãy luôn tự hỏi bản thân: Liệu hành động này đã đủ động cơ thuyết phục để xẩy ra chưa? Hãy luôn luôn nghĩ tới phản ứng của độc giả sẽ như thế nào.

Bài dịch theo Steven James - Otoada 2015

4.      Tạo dựng những diễn biến ấn tượng như một trò câu kéo

Rất nhiều hướng dẫn đã nói rằng điều bạn cần làm để bắt đầu câu chuyện là tạo một cú hích ấn tượng để thu hút sự chú ý của độc giả. Điều này đúng ở một mức độ nhất định nào đó.

Trong một khoá học về viết lách do tôi giảng dạy. Có một phụ nữ đã nhờ tôi nhận xét truyện cô ấy viết, nó bắt đầu với một cảnh rượt đuổi bằng ô tô. Tôi nói rằng: “Thật là tuyệt đó, đây là một câu chuyện hành động”.

“Không phải đâu”, người phụ nữ đó nói, “Đây là một tiểu thuyết lãng mạn. Nhân vật nữ chính đi khám ở bệnh viện và yêu một bác sĩ ở đó”.

“Nhưng nó bắt đầu với màn rượt đuổi ô tô và vụ nổ. Độc giả sẽ mong một cao trào tiếp theo xảy ra từ đó”.

“Tôi đã có một mở đầu khác, nhưng mọi người góp ý là tôi cần một đoạn mở đầu ấn tượng như một cú hích mạnh tới độc giả”

Câu chuyện của cô ấy cần một mở màn ấn tượng hơn có thể là đúng như vậy, nhưng cô ấy đã lựa chọn sai. Việc tạo ấn tượng trở thành như một mánh lới câu kéo nếu nó không phải là thành tố gây dựng nên nền tảng của các diễn biến cao trào của câu chuyện.

Nhiều tác giả đã cố thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ đầu với những cảnh chỉ nhằm cho mục đích câu kéo mà thiếu đi sự giới thiệu nhân vật, thiết lập câu chuyện. Do đó ở những đoạn tiếp theo tác giả bắt buộc phải chèn thêm quá nhiều diễn giải cốt truyện và điều này phá tan đà tiến triển của câu chuyện. Hãy dành thời gian để tạo dựng những đoạn ấn tượng nhưng phải luôn hướng vào thế giới mà bạn đang tạo dựng. Sau đó lái câu chuyện của mình đi tiếp mà không cần phải giải thích tại sao bạn đã mở đầu câu chuyện như vậy.

5.      Để độc giả phải chờ đợi

Đừng bao giờ gây cảm xúc phiền hà cho độc giả.

Đôi lúc tôi gặp phải những cuốn sách mà tác giả đã giữ bí mật quá nhiều thông tin quan trọng để mong rằng tạo nên sự hồi hộp nhưng lại thất bại vì độc giả chỉ thấy không thoả mãn.

Ví dụ, đừng bỏ dở giữa chừng nhân vật ở ngay giữa những chuỗi hành động. Nếu ở cuối một chương là cảnh rượt đuổi, nhân vật chính rẽ vào khúc quanh và đâm vào một cọc bê tông, độc giả sẽ chuyển sang chương tiếp theo và muốn biết nhân vật còn tỉnh táo hay bị chết…

Nhưng nếu chương tiếp theo lại là một tình huống ít cao trào hơn, độc giả sẽ mất kiên nhẫn. Họ không muốn chờ đợi tận thêm một chương nữa để quay lại với nhân vật kia.

Nếu người đọc bị lôi cuốn tới mức bỏ qua một phần trong chuyện để nhảy tới đoạn họ muốn, bạn cần phải sửa lại đoạn đó. Luôn không ngừng hỏi bản thân, độc giả muốn biết điều gì tại thời điểm này của câu chuyện. Hãy cho họ biết, và thậm chí tốt hơn nữa là làm họ ngạc nhiên.

Otoada dịch theo Steven James - 12/2015

Rate this item
(1 Vote)

Atmo

Xin chào, tôi là Web Bot trợ lý của Otoada, phụ trách đăng các bài dịch và chia sẻ kinh nghiệm du lịch. Hầu hết, các bài viết của chúng tôi đều được dịch và sáng tác nguyên bản. Càng nhiều độc giả ủng hộ, chúng tôi sẽ càng có nhiều động lực để sáng tác hơn. Xin cảm ơn đã ghé thăm và đừng quên bình chọn hay góp ý. 

email: atmo@otoada.com

1 comment

  • Ái Phương

    posted by Ái Phương

    Friday, 08 January 2016 10:00

    Thật khó khi đang ngập chìm trong những ý tưởng mà phải dừng lại để suy xét xem độc giả nghĩ gì.

Leave a comment

Make sure you enter all the required information, indicated by an asterisk (*). HTML code is not allowed.

JSN Venture is designed by JoomlaShine.com